Thông báo lỗi

Deprecated function: implode(): Passing glue string after array is deprecated. Swap the parameters trong drupal_get_feeds() (dòng 394 của /home3/vim1409/public_html/thegioimautim.com/includes/common.inc).

Màu tím hoa sim mãi nhuộm tím thời gian

Cuối năm 2009, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ), cùng mấy bạn văn về Thanh Hóa thăm nhà thơ Hữu Loan, tác giả “Màu tím hoa sim” nổi tiếng. Sau chuyến đi ấy, ông viết một thiên bút ký đăng ba kỳ trên Tiền Phong cuối tuần với nhan đề “Phía sau màu tím hoa sim”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ Hữu Loan (bên trái) và tác giả

Trong tâm trí bạn đọc phổ thông bây giờ, người ta chỉ biết một nhà thơ Hữu Loan (không cần biết có một nhà nào khác trùng tên) và cũng chỉ biết mỗi bài Màu tím hoa sim của ông.

Biết, với Hữu Loan, lần đầu tiên màu tím hoa sim từ một vùng bán sơn địa bước vào nghệ thuật thi ca, đóng đinh vĩnh viễn ở đấy, trên tấm bia mộ một người thiếu phụ chết trẻ, tạc mãi vào thời gian.

Người am tường hơn chút thì biết mang máng tác giả có dính vào một vụ văn chương gì đó, đã lâu lắm, rồi ông lui hẳn về quê lầm lũi sống cuộc đời lao động thật sự.

Có lẽ cũng chỉ thế thôi. Không mấy người biết, ông đã từng tham gia cách mạng từ năm 1936, trong phong trào Mặt trận Bình dân. Từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, quê ông, rồi làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban Lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.

Có biết thế cũng không mấy ai nhớ đã đành, mà ông cũng không hề nhớ tới những việc ấy, thời ấy. Bởi không ai nghe ông nhắc đến bao giờ. Người già thường nhớ nhớ quên quên. Nhưng không mấy ai quên thời oanh liệt của mình.

Thế nên trong câu chuyện với mấy anh em chúng tôi, hai người từ Sài Gòn ra, hai người từ Hà Nội vào, ông chỉ nói chuyện thời thơ ấu. Ông kể hồi nhỏ trí nhớ ông tốt lắm, chữ lại đẹp nữa. Chữ viết trong vở đẹp, mà lên bảng viết chữ cũng đẹp.

Thầy giáo toàn gọi lên chép bài trên bảng cho cả lớp chép theo. Bài gì cũng thế, hễ cứ chép xong là thuộc liền, về nhà chả cần phải học gì, thế là tha hồ đọc sách. Thầy dạy ai cũng như ai. Nhưng chỉ rất ít người trong lớp vượt lên, thành người có tên tuổi. Ấy là nhờ sức đọc, sự ham hiểu biết.

Ham hiểu biết, nhưng lại biết rằng, hiểu biết là cái không cùng. Có thế mới không thỏa mãn. Người già thường có lối nói đi nói lại điều mình vừa nói buông mồm. Ông cũng vậy. Ông nhắc lại với chúng tôi mấy lần liền điều vừa giản dị vừa khó khăn ấy. “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Thế mới là biết”. Nếu không có người trong chúng tôi lái sang chuyện khác, có khi ông còn nhắc lại lần nữa, lần nữa.

Đỗ bằng tú tài năm 20 tuổi, ông đã đi dạy học, làm gia sư kiếm sống. Dạy người trong nhà, dậy cả người thập thò, ngấp nghé sau cánh cửa. Ở đâu và bao giờ cũng có người thập thò, ngấp nghé như thế. Mà hiển nhiên chỉ là con gái thôi. Bởi anh giáo trẻ giảng hay quá, nhất là giảng Kiều.

Ông bảo, người ta mê Truyện Kiều, thế là người ta có tâm hồn đấy. Một người trong chúng tôi chêm vào “mê ông thì có”. Cười móm mém, ông bảo, người ta mê mình giảng Kiều, rồi mê mình thì có gì lạ. Đôi mắt tinh anh ông già chín mươi ba vẫn ánh lên nét thông minh, hóm hỉnh, tinh nghịch.

Trong câu chuyện, mấy lần ông nhắc đến câu Kiều “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ông bảo, người ta cốt là ở cái tâm. Có tâm thì mới làm được điều tốt, mới trở thành người tử tế.

Bây giờ nhiều nhà treo chữ tâm (chữ Hán). Âu cũng là một điều hay, nếu họ cũng nghĩ như ông, nếu thật bụng chứ không phải miệng nói chính tâm mà lòng dạ lại tà tâm. Ông không chỉ nghĩ và làm theo chữ tâm như một tâm niệm. Ông thờ nó như một triết lí sống.

Nhà ông là hai gian chật hẹp lợp ngói và một gian buồng mái bằng. Gian mái bằng ngăn làm đôi. Nửa trong dành cho con cháu ở xa về thăm ông bà. Nửa ngoài nhô ra tận mép sân, cửa sổ mở ra vườn, trong kê chiếc giường nhỉnh hơn chiếc giường cá nhân, bé hơn hẳn chiếc giường đôi.

Bởi nếu là giường đôi thì chật cứng. Hai gian nhà ngoài, gian đầu hồi là chiếc giường đôi của vợ ông, xung quanh chất rất nhiều thứ, nào hòm, nào hộp và bao nhiêu thứ lặt vặt cần thiết khác, hết non nửa giường.

Gian giữa để bàn thờ, bên ngoài, phía dưới là chiếc bàn nước rộng chỉ chừng nửa mét vuông. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1993 bằng một phần tiền của Chính phủ, một phần của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa do Văn phòng đại diện báo Văn nghệ ở miền Trung đứng ra tổ chức thi công. Trên ban thờ, không ảnh các bậc sinh thành, không ảnh ai khác, chỉ mỗi chữ tâm tự tay ông viết.

Có lẽ với ông, dù là thánh thần mà ta phải mang ơn thì cũng chết cả rồi, chả phù hộ cho ta được gì đâu, tự ta, ta phải sống thôi, mà đã sống thì... “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một lần nữa ông nhắc lại như thế.

Ông bảo, tâm mà ngay thẳng thì chẳng sợ gì. Con đường ra chợ quê ông, rìa đường có một cây xoan to. Người làng, mỗi lần đi chợ qua, lại nhặt một hòn gạch, hòn đá hay một cục đất, đặt vào đấy.

Nhiều làng quê Việt Nam vẫn làm thế. Chắc hẳn nơi ấy đã có một người xấu số nào đó chết, nếu là người chết trẻ mà là con gái lại càng động lòng trắc ẩn mọi người. Đống đất đá mỗi ngày một to. Đôi khi có mấy nén nhang cắm lên đấy. Chính quyền định cho chặt cây xoan, san bằng địa, vì cho là mê tín dị đoan. Biết tin, ông ngăn bằng được.

Ông bảo, làm người phải có đức tin, người ta ai chả cầu mong điều tốt lành cho mình, chứ cầu mong làm việc ác thì thánh thần nào phù hộ. “Họ phải chịu tôi đấy”, cái miệng móm mém cười rung chòm râu bạc. Cái tật người già hay nói đi nói lại làm tôi nhớ như in, chẳng phải ghi âm, ghi chép gì, chỉ chăm chắm nhìn ông.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người tự lái xe đưa chúng tôi đi lần này, đã nhiều lần đến thăm ông, nên thân quen như ông cháu. Anh cho phép mình đùa: - Hồi trẻ, nhiều cô mê ông lắm phải không ạ? Nhiều chứ, người ta mê mình thì tốt chứ sao. Nhưng lấy một người thôi. Thì cũng có mấy bài đề tặng người đẹp đấy.

Bài Hoa lúa sáng tác sau cùng thì rõ là tặng bà Phạm Thị Nhu, vợ ông bây giờ rồi, còn bài Những làng đi qua thì đề tặng G.H, không rõ là ai, đàn ông hay đàn bà, nhưng hình ảnh O thôn nữ/ Gánh lúa về làng/ Đường tím màu hoa mua... Hát trong ruộng gặt rồi... Một làng xa nho nhỏ/ Đẹp như nơi hẹn hò/ Có đôi lòng gắn bó/ Nhưng lời chưa nói ra thì hẳn phải là một cô thôn nữ nón nghiêng nghiêng nhìn theo rồi.

Anh Nguyễn Hữu Đán, con trai út ông kể rằng, mối tình đầu của cha là với bà Lưu. Không thành vì chênh lệch giàu nghèo. Nhưng vẫn tình nghĩa lắm. Bà bị bệnh lao, ông về thăm, bà nhìn ông trong ánh mắt thăm thẳm đau xót, “em bị cắt mất một lá phổi rồi”.

Ông nhìn bà âu yếm, “có cắt nữa anh vẫn yêu em”. Và ông ở lại chăm sóc cho đến lúc bà đi. “Cho mắt em ngấn lệ” là bài thương khóc người yêu đoản mệnh. Những tháp chuông giáo đường/ Giữa đô thành tiêu thổ/ Những dãy nhà chung/ Mở muôn cửa sổ/ Trên xác gục nhà xưa/ Nắng vàng chuông đung đưa/ Ngân như từng tiếng hát/ Ai cất búa phá nhà/ Xòe hai bàn tay trắng/ Chết đi rồi ngoài mặt trận/ Hãy còn xanh sắn rừng/ Trả tháp chuông/ cho/ hoàng hôn/ Và giáo đường/ cho mắt em ngấn lệ/ Em chưa cầu Đức mẹ/ Cho hồn người đi xa/ Và những ai/ còn mãi không về/ Cho/ mắt/ em/ ngấn lệ.

Kể ra, cha cháu vẫn còn một mối tình nữa với bà T. Hồi ấy ông phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện tỉnh Thanh Hóa, được phân công trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở Nga Sơn. Bà T. phụ trách công tác thanh niên ở huyện bên.

Do công việc họ quen biết, cùng chí hướng, cùng hoạt động cách mạng, yêu nhau vì sắc, mến nhau vì tài, họ yêu nhau là điều dễ hiểu. Gia đình bà T. muốn hai người thành thân ngay. Con rể tương lai lại muốn rộng cẳng hoạt động, ngại vợ con sẽ vướng chân mình.

Sau đó, bà T. gặp một người cán bộ chính trị, cũng là một tâm hồn thơ tài hoa rồi nên vợ nên chồng. Tình yêu là mẹ đẻ của thơ. Với mối tình nào, ông cũng có những vần thơ đẹp, chân thành, tha thiết. Chả thế, mấy năm trước, khi chồng bà T. mất, ông có bảo Đán đến thăm bà T., và hỏi bà xem còn nhớ những bài thơ cha cháu tặng không.

Hữu Loan có mười người con đẻ, mười người con dâu, rể, và mười sáu cháu. Ông có một câu đối, trong đó có đủ tên của mười người con, và cũng hàm chứa tính cách, cuộc đời, số phận của mỗi người: Quốc gia hữu CƯƠNG, ĐÁN ĐỊNH HƯƠNG HÀ/ Thánh nhân tiếu VŨ, LẬP TRUNG ỨNG TRIỆU.

Trong bốn người con trai, Nguyễn Hữu Đán là út, sinh đúng vào ngày 1-1-1969 nên được đặt tên là Đán. Là con thứ tám, nhưng hợp với cha hơn cả. Anh cũng là người thành đạt nhất, hiện là chủ tịch HĐQT, vợ anh, chị Trịnh Thị Lan làm giám đốc Công ty cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa kiến trúc Việt.

Anh tự nhận trách nhiệm chính trong việc trông nom chăm sóc cha mẹ, mặc dù sống và làm việc ở Hà Nội. Được cha chia sẻ, tâm tình, gửi gắm mọi chuyện lớn nhỏ. Anh lưu giữ tất cả những sáng tác của cha, nhất là những gì cha viết từ khi về quê.

Một cuốn tiểu thuyết, nhiều bài thơ, rất nhiều câu đối và rất nhiều bài báo viết về cha mình. Có nhà xuất bản định in một tập thơ ông với cái tiêu đề do họ đưa ra, Hữu Loan không nghe. Anh thích với tiêu đề của cha mình: Mộng du giữa hai hình tam giác. Cha anh giải thích với con, hai tam giác đây là hai tam giác châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long. Hai bên không thống nhất nên sách không ra được.

Một nhà xuất bản nước ngoài cũng xin anh cho in một cuốn sách về cha, nhan đề Thiên đường máu, anh càng không chấp nhận vì nhiều lí do, dù hứa hẹn một khoản nhuận bút không nhỏ.

Anh nghĩ nhiều về yêu cầu của cha. Rất yêu kính và tôn trọng cha. Gần như thuộc lòng tất cả sáng tác của cha, kể cả những sáng tác trước và sau khi cuộc đời cha mình rẽ ngoặt sang một hướng khác, mà có lẽ vì thế mà con cái cũng long đong vất vả.

Nhưng vẫn một lòng yêu kính tôn trọng. Tôn trọng, nhưng không phải việc gì cũng nghe lời. Anh không đến thăm bà T. để hỏi lại chuyện cũ của bà với cha mình. Bởi, đã có chuyện buộc anh phải thận trọng, cân nhắc.

Đán có hoa tay, làm gì cũng thạo. Chỉ tự mầy mò, học lỏm người ta mà làm được cơ khí gò, hàn... Mở xưởng hẳn hoi. Năm năm sau mới thi đại học Kiến trúc. Quên hết chữ nên toán bị điểm liệt dù điểm năng khiếu rất cao. Năm sau mới đỗ. Muốn tiết kiệm, anh ăn chay ngồi thiền, để mỗi bữa chỉ hết một ngàn. Vay nợ cũng không được. “Mày đói không bằng con tao khóc”.

Người ta trả lời thế. Đành chịu. Thi tốt nghiệp, lẽ ra phải vẽ 12 pa-nô, anh chỉ có 9 cái mà vẫn đỗ loại xuất sắc. Vì pa-nô của anh quá độc đáo. Kể thế để biết, không được thừa hưởng ở cha nghiệp văn chương, nhưng anh nối được chí cha, làm chủ được mình, chịu đựng được mọi hoàn cảnh. Anh kém hay hơn cha anh, hoặc đơn giản chỉ là khác cha ở chỗ tỉnh táo trước tình cảm của mình.

Chuyện gì rồi cũng phải quay về Mầu tím hoa sim. Bài này ông không đề tặng như đề tặng một G.H nào đó mà đề: Khóc Lê Đỗ Thị Ninh. Phạm Xuân Nguyên hỏi, giờ ông còn thuộc không ạ? Không trả lời.

Mắt lấp lánh sáng như bao giờ cũng sáng lấp lánh thế, ông đọc liền một mạch: Nàng có ba người anh đi bộ đội.... Anh Tiến Dũng, một nhà báo tự do hỏi ông xem đám cưới với bà Ninh đã diễn ra như thế nào. Ông bảo, ngày ấy nào kịp cưới xin gì đâu, người ta thì mê mình, bố mẹ người ta thì quý mình. Một lời tuyên bố là nên vợ nên chồng rồi.

Như tiện thể, ông bảo, người ta in là “Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi/ may áo cưới là không đúng đâu. Làm gì có chuyện áo cưới, váy cưới như bây giờ. Đúng ra là áo mới thôi, một tấm áo như các tấm áo khác, chỉ có điều nó được may nhân dịp nên vợ nên chồng thôi mà cũng không có.

Chàng thư sinh Hữu Loan học giỏi, thơ hay thế nào, thì cả vùng biết tiếng rồi. Thế nên ông bà Tham Kỳ mới mời anh làm gia sư, dạy kèm cho ba người con trai mình. Ông Đỗ Kỳ làm giám đốc sở Nông lâm Đông Dương nên thường được gọi tắt là Tham Kỳ.

Cụ tổ ông Kỳ, Đỗ Bí, là công thần nhà Lê, được vua ban quốc tính (mang họ vua) nên mới có tên là Lê Đỗ Kỳ. Công chức thời Pháp làm đến chức ấy hẳn phải là người giầu nhất nhì trong vùng. Lại là người nhân nghĩa tử tế nên được dân trong vùng vì nể. Sau cách mạng, ông Kỳ là đại biểu Quốc hội khóa 1.

Ba người anh ấy là Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ Điện Biên Phủ), Lê Đỗ Nguyên (đi bộ đội lấy tên mới là Hồng Cư, Trung tướng, đồng hao với Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và Lê Đỗ An, đổi tên là Nguyễn Tiên Phong (Bí thư Trung ương Đoàn) và. Lê Đỗ Thị Ninh vẫn thường ngấp nghé thập thò sau cánh cửa nghe lỏm bài giảng của thầy. Đấy là một cô gái con gia đình công chức giàu có, gia phong gia pháp đâu ra đấy, quy củ, nền nếp không ai bằng, học hành và đọc sách, thực hành nữ công gia chánh hằng ngày.

Rồi cách mạng thành công, rồi nhà nước cộng hòa non trẻ và thiếu thốn ra đời. Người đứng trên bục diễn thuyết ở thị xã Thanh Hóa kêu gọi đồng bào góp vàng trong Tuần lễ vàng chính là thầy Hữu Loan các anh cô mấy năm trước. Thầy như moi ruột gan nói với bà con.

Bà con động lòng yêu nước, mở lòng ra góp phần cứu chế độ. Cô Ninh tháo đồ trang sức trao ngay cho ban tổ chức mà như là trao riêng cho chính người thầy, mà mình vẫn nặng lòng cảm mến.

Về nhà, hào hứng kể lại với mẹ. Qua câu chuyện, người mẹ nhận ngay ra con gái mình đã phải lòng anh gia sư mà bà và cả gia đình mình đều quý mến. Rồi toàn quốc kháng chiến. Lệnh tiêu thổ kháng chiến ban ra. Cầu treo Hàm Rồng bị ta phá sập. Nhà nhà tản cư, để lại vườn không nhà trống.

Thông tin liên lạc thời ấy, bây giờ không thể hiểu nổi đã diễn ra như thế nào. Nhưng cuối cùng thì anh bộ đội Hữu Loan cũng sửng sốt khi nhận được một lá thư của ông bà Tham Kỳ.

Đôi mắt vốn sáng hơn đèn từ khi năm bẩy tuổi giờ bừng lên, reo vui như tin thắng trận báo về. Gia đình Lê Đỗ Thị Ninh cầu hôn ông cho con gái mình. Điều kiện duy nhất đặt ra là, nếu ưng thuận, phải thông tin ngay ngày về làm rể trong thời gian sớm nhất.

Anh vệ quốc Hữu Loan đã một lần làm rể hụt khi không chịu cưới ngay cô T. rồi, nên lần này lập tức có thư phúc đáp.

Cái ngày cuối năm 1948 ấy hẳn phải là ngày đẹp trời. Lễ cưới không mâm cao cỗ đầy đã đành; cũng không cả thuốc lá, bánh kẹo. Lễ cưới chay với nghĩa đen tuyệt đối. Chàng, vẫn mặc đồ quân nhân/ đôi giày đinh/ bết bùn đất hành quân. Nàng, vẫn quần đen, áo cánh nâu sồng mặc hằng ngày. Cưới nhau hôm trước, hôm sau phải đi ngay. Chỉ lo người vợ trẻ sẽ thành góa bụa. Mũi tên hòn đạn nào biết tránh ai.

Người ta vẫn sợ lửa hơn sợ nước, nhưng trong đời, người chết do nước nhiều gấp không biết bao lần chết do lửa. Ngày 20-5-1949, Lê Đỗ Thị Ninh chết đuối ở một trang trại gia đình tản cư bên huyện Nông Cống, Thanh Hóa.

Thật ra, đấy chỉ là một tai nạn, bây giờ gọi là tai nạn sinh hoạt. Nhưng vì sao câu chuyện bình thường ấy lại trở thành thiên tình sử, đẹp như một bài thơ nhuộm tím lòng bao lớp người đã nếm trải chiến tranh, cả những lớp người không biết mùi chiến tranh là gì.

Trước hết, đấy là nhờ tài năng thơ của tác giả mới thành bài thơ bất hủ. Nếu chỉ là người chứng kiến thì dù Hữu Loan có tài thánh cũng không làm nên màu tím hoa sim như thế. Ông là người trong cuộc, kể về một mối tình oan nghiệt của chính mình nên mới xúc động đến thế, mới lay động lòng người đến thế. Nó lay động mãi lòng người và vẫn xúc động ông cho đến hết đời. Không phải người viết tán ra đâu.

Hữu Loan có tài làm thơ tự sự trữ tình. Chỉ thấp thoáng dáng hình nhân vật như bóng người đi trên một triền đồi tím đỏ hoa sim, hoa mua. Người thiếu nữ giản dị: Tóc nàng/ xanh xanh.... Nàng cười xinh xinh. Chàng trai: mặc đồ quân nhân. Cũng chỉ phác họa loáng thoáng tính cách nhân vật: Thiếu nữ còn rất thơ ngây (tóc nàng/ xanh xanh), thích cỏ cây hoa lá, nhất là hoa sim tím, nên áo nàng/ màu tím hoa sim... và giỏi vá may thêu thùa (Ngày xưa/ đèn khuya bóng nhỏ/ nàng vá cho chồng/ tấm áo/ ngày xưa!...).

Còn người con trai thì hùng dũng, độc đáo, đa tình, yêu say đắm người vợ trẻ, vẫn thập thò sau cánh cửa, tò mò xem thầy giảng năm năm trước, giờ là cô thiếu nữ vừa độ trăng rằm. Chàng thì đang xoan - 34 tuổi.

Từ mặt trận về làm chú rể, ra mắt vợ và bố mẹ vợ mà đôi giày đinh/ bết bùn đất hành quân. Vội vã về lại vội vã ra đi. Một câu chuyện như thế là phổ biến trong chiến tranh, nhưng nghịch cảnh là ở chỗ, Không chết người trai khói lửa, mà chết/ người gái nhỏ/ hậu phương.

Nếu vẫn ở thị xã Thanh Hóa, nếu không đi tản cư... nếu không có chiến tranh thì đã chẳng có cảnh: ba người anh/ từ chiến trường Đông Bắc/ biết tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng. Cũng chẳng có cảnh: chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương/ tàn lạnh/ vây quanh.

Mối tình oan trái xúc động bao thế hệ. Ai oán. Xót xa. Tiếc nuối. Ngậm ngùi. Buồn thương. Tâm trạng ấy sẽ nhân lên gấp bội, nếu bạn tin vào điều một nhà tướng số nói rằng, bà Lê Đỗ Thị Ninh mang theo cả đứa con đang hoài thai trong bụng. Trong thẳm sâu tâm khảm Hữu Loan, bà Ninh vẫn ngự trị.

Nhắc đến bà Ninh ông vẫn gọi là bà cả. Các con ông với bà Nhu vẫn gọi bà Ninh là mẹ già. Trong câu chuyện khi nhắc đến bà Ninh, Đán vẫn một điều “mẹ già cháu”, hai điều “mẹ già cháu”.

Ngày bà Tham Kỳ mất, Hữu Loan không được báo tin. Đến khi biết, ông than trách bằng một câu đối, Đán vẫn thuộc lòng: Sống không gặp, chết làm sao khó gặp/ Ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách/ Khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương.

Vẫn là Phạm Xuân Nguyên hỏi ông. Thế bài Hoa lúa tặng bà ông có thuộc không ạ? Không trả lời. Ông dọn giọng, hơi nghĩ ngợi một tí để nhớ lại câu mở đầu, vì cả bài thơ vẫn nằm trong tâm trí ông, nhưng vì bị hỏi đột ngột nên chưa nhớ ngay ra câu mở đầu.

Chỉ một thoáng nghĩ thôi, rồi ông đọc: Em là em gái đồng xanh/ Tóc dài/ Vương hoa lúa/ Đôi mắt em mang/ Chân trời quê cũ/ Giếng ngọt/ Cây đa.... Đọc liền mạch. Không ngưng nghỉ, không ngắc ngứ. Chỉ có điều, giọng ông không còn trong trẻo, ngân nga truyền cảm như thời trai trẻ khi ông viết nó hơn nửa thế kỷ trước (năm 1955), lúc ông đọc cho bà nghe.

Lúc này, bỗng vang ngân trong tôi một bài hát, như một khúc dân ca đằm thắm, như lời hát đối của đôi trai gái yêu nhau, rủ nhau đi trẩy hội làng. Một ngày xuân lất phất mưa bụi bay: Tình rằng/ Tình rằng/ Cô gái đồng xanh/ Mái đầu vương màu hoa lúa/ Mỗi lần mùa hoa xuân đến/ Đôi mắt em mang tình quê/ Gặp gỡ nhau khi xuân về/ Đồng quê thơm đóa hoa nở/ Từ xa trai gái trong làng/ dập dìu đi cấy hội xuân...

Bài hát lặn chìm trong tôi từ những ngày còn niên thiếu, gặp lời thơ ông đọc, bỗng vọng về. Tôi không nhớ bài hát tên gì, của nhạc sĩ nào, nhưng hiển nhiên là tác giả đã sáng tác từ cảm hứng Hoa lúa của Hữu Loan. Hai câu đầu, bạn đọc thấy đấy, gần như là nguyên văn lời thơ ông.

Nhạc sĩ chỉ đón lấy nét duyên đôi lứa trong Hoa lúa làm cảm hứng chủ đạo trong ca khúc mà không khai thác chất tự sự trong câu chuyện tình ngang trái cô thôn nữ: Những tình em/ từ xưa tan vỡ/ từ đáy mồ sâu/ hiện về/ vạch từng/ tên/ đao/ phủ...

Bài hát là một giai điệu đồng quê, e ấp tình quê, tưng bừng hội làng quê, rộn ràng chiêng trống. Còn Hoa lúata đi/ đầu sát/ bên đầu/ mắt em/ thăm thẳm/ đựng/ mầu trời quê, vẫn gieo vào lòng ta cái ngậm ngùi, chua xót như màu tím hoa sim vẫn ám vào ta bấy nay. Hữu Loan, dẫu cuối bài có cái hớn hở, hân hoan của tình yêu đôi lứa,

Chuyện tình giữa ông và bà Nhu cũng có gì đó ngang trái. Ở nông thôn ta xưa, con gái mười ba đến mười lăm tuổi, thậm chí ít hơn đã có người ướm hỏi rồi. Tôi không muốn hỏi xem, khi thành vợ Hữu Loan năm mười tám, mười chín tuổi, bà Nhu đã có mối tình nào chưa.

Nếu có, cũng là chuyện bình thường. Không nên vợ nên chồng mới là chuyện không bình thường. Bởi đến tuổi ấy, thời ấy, như thế cũng chưa hẳn là muộn, nhưng cũng không còn là bình thường.

Chắc hẳn phải có lí do gì chứ? Cứ như Hữu Loan kể thì người con gái trong Hoa lúa cũng đã có Người trai quê/ xin trầu/ một thuở... rồi vì một cớ gì đó bây giờ quên nhau, để Những đêm dài/ em khóc/ đầy như/ giếng mưa/ câm như bồ thóc. Rằng thân em như tấm lụa điều/ phất phơ giữa chợ/ Thân em như cành mai/ Đậu chân cú vọ/ Như hạt ngọc/ ngâu vầy/ Những tình em/ đắng cay... Những tình em/ từ xưa tan vỡ...

Người con trai yêu, trước hết cũng phải vì người con gái đẹp người, đẹp nết... tóc dài/ vương hoa lúa/ Đôi mắt em mang chân trời quê cũ/ giếng ngọt/ cây đa... Còn chàng trai thì anh khát tình quê ta/ trong mắt em/ thăm thẳm/ Tiếng quê hương/ say đắm, trong lời em từng lời/ Tiếng quê hương muôn đời/ và tiếng em/ là một.... Nhưng tìm hiểu kỹ mới biết, trong đời thật, Hữu Loan cưới bà Nhu còn vì một lẽ khác.

Bà Nhu là con địa chủ. Gia đình bà không thể nào thoát được cơn giông long trời lở đất đận ấy. Cảnh đấu tố cha bà, những nỗi khổ mà vợ con địa chủ phải hứng chịu...

Sự mẫn cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, của một trí thức trực tiếp sống đời sống thật ở quê hương khiến ông nhận ra ngay, dù có là người giàu người nghèo vẫn không thể bỗng chốc cư xử với nhau như kiểu quân hằn quân thù như thế. Ông Thái, anh trai bà Nhu lại là hiệu trưởng trường Mai Anh Tuấn mà ông là giáo viên. Lấy bà Nhu Hữu Loan muốn tỏ một thái độ thách thức, vừa là một nghĩa cử nhân bản.

Cả thảy có tới ba lần Đèo cả nhắc đến râu. Hai lần tả: (Tóc) râu/ trùm/ vai rộng...; râu ngược/ (Chào nhau/ bên sườn núi)... Một lần kể, cách cạo râu mới ghê gớm, dữ dội làm sao: (Người) đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu. Bộ râu ấy, cái cách cạo râu ấy chính là tư thế, là tính cách, khí phách ngang tàng dũng mãnh, là ý chí của người lính không biết sợ là gì.

Bà Nhu kể, năm 1960, ông mới để râu, để tóc dài. Thế nghĩa là, râu tóc trong Đèo cả là của đồng đội, mà cũng có thể là của chính chàng vệ quốc Hữu Loan trong hoàn cảnh khốn khó những ngày đầu chống Pháp, không tông đơ, dao, kéo.

Dường như trong huyết quản ông, máu của chàng vệ quốc năm nào vẫn rần rật chảy. Năm 1958, đang sống ở Hà Nội. Chỉ một vụ việc, cứ coi là tai nạn nghề nghiệp đi, dỗi đời, lập tức ông đưa cả vợ và ba đứa con lít nhít về quê, coi như dứt hẳn mọi ràng buộc xã hội. Nhưng chỉ dỗi đời thôi, chứ chẳng dại gì dỗi... vợ.

Chả thế, ông bà còn thêm bẩy người con nữa. Con gái út sinh năm 1974, cách anh cả đúng 20 năm, nghĩa là cứ hai năm một. Ngôi nhà cũ các cụ để lại, hồi kháng chiến các bạn thơ vẫn qua lại, ngâm ngợi thơ phú với nhau.

Chính Quang Dũng đã viết Tây tiến trong những ngày tá túc ở đây. Dạo ra Hà Nội công tác ở báo Văn nghệ, một gia đình hàng xóm ở nhờ, giờ chưa thể trả ngay được.

Nghe nói, dưới Điền Hộ, giáp Phát Diệm, Ninh Bình bà con công giáo di cư vào Nam để lại ruộng hoang, nhà hoang, ông đưa vợ con vào đấy ở nhờ, làm ruộng như một nông dân thực thụ. Rồi cũng không thể ở mãi được, vì không phải là người địa phương.

Năm 1961 vợ chồng con cái lại dắt díu về quê. Ông dựng một túp lều lợp cói, đủ chỗ cho cả nhà chui ra chui vào. Một gã hoạnh họe: Sao ông không làm cái nhà cho tử tế, định bêu riếu à? Ông thủng thẳng, “Tao còn bận làm người”.

Vợ chồng làm vườn, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Chồng mua lại được chiếc xe cút kít đi chở đá thuê. Cứ thế ngày ngày, tháng tháng, năm năm, hai cánh tay căng muốn đứt rời, mặt sấp xuống đất, gò lưng đẩy xe đá từ núi Vân Hoàn ra bến sông Mã, hoặc đến bất cứ nhà nào cần xây nhà.

Sau đó, mua được chiếc xe đạp thồ, người ta tự đóng bằng sắt phế thải, cũng đỡ mất sức hơn. Mãi sau rồi mới mua được chiếc xe đạp Thống nhất nam (mà hồi ấy người ta chỉ sản xuất xe nam thôi).

Ông thay cái càng bánh trước bằng cái càng xe Liên Xô thồ cho khỏe. Cái gã kia lại hoạnh họe, dọa thu giữ xe vì dám sửa chữa, thay hình đổi kiểu dáng chiếc xe Thống nhất. Thời ấy xe đạp phải đăng ký, đeo biển số hẳn hoi. Xe đăng ký thế nào cứ phải để nguyên như thế.

Ông bảo, nếu thu giữ xe thì tôi mang mấy đứa lên đây các anh nuôi giùm, hoặc cho tôi được đi ăn mày khắp huyện này, may ra cũng đủ hai bữa cho chúng nó... Rồi cũng không hiểu vì sao, mấy người chủ đánh đá, đồng loạt không thuê ông thồ đá thuê.

Ông đành sắm bộ choòng, sà beng, nêm, mấy cái búa tạ, búa năm cân, ba cân, một cân, để tự mình khai thác, tự mình thồ bán cho thiên hạ vậy. Cứ thế sống qua ngày đoạn tháng. Đắng chát nhất là mỗi tháng một lần, ông phải đến gặp cái gã ấy.

Cứ thế giữ mình sạch trong, chỉ thờ phụng một chữ tâm để: Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn long lóc/ thế nào/ thì lăn lóc. Chân lý đấy/ hỡi/ rìu/ bào/ phó mộc (Lời cây gỗ vuông).